Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Doanh nghiệp vẫn còn khổ trăm bề

Cục Quản lý đăng ký kinh doanh vừa có báo cáo về tình hình đăng ký doanh nghiệp năm 2014, trong đó cho thấy dù nền kinh tế được đánh giá đã qua khỏi khó khăn, nhưng số doanh nghiệp phải đóng cửa và ngừng hoạt động vẫn chưa dừng lại.

Trong năm 2014, theo báo cáo này, cả nước có 74.842 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 2,7% so với năm trước. Trong khi đó số doanh nghiệp khó khăn phải tạm dừng hoạt động lên tới 58.322 doanh nghiệp, tăng 14,5%, chưa kể có 9.501 doanh nghiệp đã chính thức hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động.

Tháng 12 khó khăn...

Trong năm 2015, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tốt hơn, được tạo nhiều cơ hội hơn khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu... sẽ được thực hiện với nhiều cơ chế tốt và thuận lợi hơn cho kinh doanh.

Điều quan trọng là cần tổ chức thực hiện tốt để doanh nghiệp có thể nhận được hiệu ứng. Ngoài ra, các biện pháp cải cách thủ tục thuế, hải quan... đã được đẩy mạnh thì cần tiếp tục để tăng khả năng tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp cũng như sự phục hồi của nền kinh tế.

Trong tháng 12-2014, thời điểm làm ăn khá sôi động trong năm nhưng theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới của cả nước chỉ đạt 7.052 doanh nghiệp, giảm 9,2% so với tháng trước.

Ðặc biệt có đến hơn 8.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động (cả đăng ký và không đăng ký). Trong đó, riêng số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có thời hạn hoặc không đăng ký là 7.944 doanh nghiệp, tăng tới 30,2% so với tháng trước đó.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Bùi Văn Dũng, trưởng ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng nếu nhìn theo hướng lạc quan, dù số doanh nghiệp thành lập giảm nhưng số vốn đăng ký vẫn tăng 5,6% so với tháng trước, cho thấy đây là tín hiệu nhà đầu tư đang tìm kiếm quy mô lớn hơn hoặc họ vẫn có cơ hội kinh doanh và tìm được khả năng phát triển.

Tuy nhiên, vẫn phải thận trọng vì số vốn đăng ký tăng chưa hẳn sẽ là số tiền nhà đầu tư thật sự sẽ đổ vào thị trường. Ngoài ra, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng chứng tỏ doanh nghiệp vẫn rất khó khăn.

Báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng trong bức tranh chung còn khó khăn, năm 2014 cũng có những “điểm sáng”, với 22.758 lượt doanh nghiệp tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm là 595.707 tỉ đồng.

Như vậy, tổng số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký bổ sung được đưa vào nền kinh tế năm 2014 lên tới trên 1 triệu tỉ đồng. Số lao động dự kiến được tạo công việc làm của các doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 là 1.091.000 lao động, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.

“Dù chưa thật sự thoát khỏi khó khăn nhưng xét trên quy mô vốn, doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2014 đã tăng hơn, cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện, nhà đầu tư yên tâm có niềm tin và yên tâm hơn khi đầu tư mở rộng sản xuất” - báo cáo viết.

TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô Ðại học Kinh tế quốc dân, cho rằng số liệu doanh nghiệp thành lập, phá sản phản ánh một phần tình hình kinh tế VN. “Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp vẫn chậm. Có thể một số doanh nghiệp từ rất khó khăn đã đỡ xấu hơn, nhưng khả năng phát triển mạnh thì chưa thấy...” - ông Anh nói.

Dù vậy nhưng các doanh nghiệp có đơn hàng tốt và có phương án kinh doanh khoa học, hiệu quả thì vẫn có sự phát triển sản xuất nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Thêm nữa, đây cũng là vẫn đề cần có sự chung tay của nhiều cơ quan quản lý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét