Thứ Ba, 27 tháng 1, 2015

Doanh nghiệp quân đội lãi khủng

Số liệu từ hội nghị cho thấy, năm 2014, doanh thu các doanh nghiệp quân đội đạt trên 292 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế đạt trên 46 nghìn tỷ đồng, tăng 15%; nộp ngân sách đạt 41 nghìn tỷ đồng, tăng 12%.


Viễn thông quân đội lãi khủng

Đứng đầu vẫn là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) với doanh thu ước đạt trên 196.650 tỷ đồng, (đạt 104,5% kế hoạch, bằng 120% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 67,28% doanh thu của các doanh nghiệp quân đội), lợi nhuận trước thuế đạt 42.224 tỷ đồng (103% kế hoạch năm, bằng 115% so với năm 2013, chiếm tỷ trọng 91,6 % lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp quân đội.

Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty 319, Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 789, Tổng công ty Xây dựng công trình Hàng không ACC… vẫn giữ được mức tăng trưởng cao...

Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn vẫn là nhà khai thác cảng biển hàng đầu Việt Nam, chiếm 80% thị phần khai thác cảng biển phía Nam và gần 50% thị phần cảng biển phía Bắc. Cảng Cát Lái vẫn là một trong số 34 cảng biển hàng đầu trên thế giới về khối lượng hàng hoá thông qua cảng...

Doanh nghiệp khối sản xuất, sửa chữa vũ khí, công nghiệp quốc phòng, dệt may quân đội và khối Tổng cục Kỹ thuật vẫn phát triển ổn định. Các doanh nghiệp cổ phần, nhất là Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn phát triển mạnh.

Trong năm 2014, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ đạo việc tổ chức sắp xếp, đổi mới tái cơ cấu doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, điều chỉnh cơ cấu, loại hình, quy mô doanh nghiệp để tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Bộ cũng đã chỉ đạo rà soát, cắt giảm những ngành nghề không liên quan hoặc ít liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của từng doanh nghiệp và đến nay đã cắt giảm được 154 ngành nghề, cho phép doanh nghiệp được kinh doanh 421 ngành nghề.

Doanh nghiệp quân đội thời hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN năm 2015 và tham gia nhiều hiệp định thương mại, Đại tướng Phùng Quang Thanh yêu cầu doanh nghiệp quân đội cần phải phấn đấu hơn nữa để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch Bộ Quốc phòng giao trong năm 2015; bảo đảm tăng trưởng vững chắc cả về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách Nhà nước, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.

Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc rà soát lại ngành nghề, mô hình tổ chức kinh doanh, thoái vốn ở những nơi không hiệu quả, xử lý tồn đọng về tài chính và nâng cao cải cách thủ tục hành chính;

Số lãi mà doanh nghiệp quân đội có được là do chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, chất lượng sản phẩm và giá cả phù hợp với người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, tổ thanh tra cũng cần xác định được việc kiểm soát chi tiêu, khắc phục các thiếu sót mà doanh nghiệp quân đội đang gặp phải.

Giáp Tết công bố 500 doanh nghiệp xuất sắc

tại Hà Nội, Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report - VNR) phối hợp Báo VietnamNet tổ chức Lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam và Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2014 nhằm tôn vinh và ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Doanh nghiệp nào đứng đầu?

Đứng đầu trong danh sách VNR500 là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đứng ngay sau là Công ty TNHH Samsung Electronics, kế đến là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Viễn thông quân đội Vietel… Trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân được VNR xếp hạng, đứng đầu là Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji, đứng vị trí thứ 2 là Công ty CP Sữa Việt Nam, đứng thứ ba là Công ty CP FPT, Tập đoàn Vingroup được xếp ở vị trí thứ 4…

Thống kê của Vietnam Report cho biết, thành phần chủ đạo của Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2014 vẫn là khối doanh nghiệp nhà nước. Xét về ngành nghề, ngành khoáng sản – xăng dầu vẫn là ngành “giàu nhất” trong bảng xếp hạng.

Theo đánh giá của Vietnam Report, xét về số lượng, doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đang chiếm phần đông trong toàn nền kinh tế và có xu hướng ngày một gia tăng, tuy nhiên hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện tương xứng.

Và trong kết quả từ cuộc khảo sát gần đây nhất của Vietnam Report cho thấy, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp tư nhân đang rất cao. Việc thiếu vốn kinh doanh đã làm hạn chế khối doanh nghiệp này phát huy hết tiềm năng của mình và đây cũng là một thách thức mới cho doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng trong năm 2015.

Đáng chú ý, trong Bảng xếp hạng VNR500 năm nay có 41 doanh nghiệp lọt vào “Câu lạc bộ tỷ đô” (bao gồm các doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 1 tỷ USD), tương đương hơn 8% số doanh nghiệp VNR500, trong đó có bốn doanh nghiệp thuộc khối tư nhân trong nước.

Vietnam Report cho biết, nếu so sánh với Bảng xếp hạng Fortune 500 của Hoa Kỳ, thì năm nay có tám doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng VNR500 hoàn toàn đủ tiêu chí để lọt vào Bảng xếp hạng này.
Cũng tại lễ công bố Bảng xếp hạng VNR500 lần này, Vietnam Report cũng công bố danh sách Top 50 doanh nghiệp xuất sắc năm 2014 – Top 50 Vietnam The Best 2014.

Đây là các doanh nghiệp đại diện tiêu biểu nhất của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình thông qua các chỉ tiêu được đánh giá về quy mô, lợi nhuận, có đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước và có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong giai đoạn 2010-2013.

"Sách trắng" cũng được giới thiệu

Nhân dịp này, Vietnam Report cũng chính thức giới thiệu Sách Trắng song ngữ Báo cáo thường niên: Kinh tế Việt Nam 2014 và Cơ hội đầu tư 2015. Đây là sản phẩm nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi Vietnam Report và đối tác chính là Công ty Tư vấn Corr Analytics, Hoa Kỳ.

Theo đó, Sách Trắng giới thiệu và phân tích một số thương vụ cổ phần hóa/kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài điển hình có giá trị từ 7 triệu USD đến 4,3 tỷ USD trong năm 2014. Bên cạnh đó, Sách Trắng còn đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam trong năm 2015 sẽ duy trì ở mức 4,5% và xuất khẩu dự kiến sẽ chạm mốc 150 tỷ USD. Các phân tích cũng dự báo nợ công sẽ giảm dần do tiến trình cổ phần hóa được đẩy mạnh và các khoản nợ xấu sẽ giảm xuống khoảng 3% trong năm 2015.

Sách Trắng cũng đưa ra dự báo tính minh bạch sẽ tiếp tục được gia tăng đặc biệt ở cấp địa phương, sẽ giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng kiến nghị loại bỏ một số quy định không cần thiết cho nhà đầu tư nước ngoài…

Bảng xếp hạng VNR500 là kết quả nghiên cứu của Vietnam Report, được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học, độc lập và tuân theo chuẩn các mực xếp hạng doanh nghiệp của quốc tế dựa trên phương pháp luận của mô hình Fortune500 - Hoa Kỳ.

Bảng xếp hạng VNR500 đánh giá thứ hạng của doanh nghiệp dựa trên tiêu chí chủ yếu như lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, lao động, tài sản và uy tín truyền thông cũng được sử dụng như các nhân tố bổ sung góp phần tạo nên vị thế xứng tầm doanh nghiệp lớn.

Bảng xếp hạng trên đây không chỉ ghi nhận sự cố gắng nỗ lực của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đạt được mà còn thể hiện tiêu chí lựa chọn, các mục đánh giá quan tâm hơn tới các doanh nghiệp tư nhân. Từ đây ngày càng khẳng định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong thời buổi hội nhập kinh tế quốc tế.